[Ghi chép về cống vật của nước ta thời thuộc Minh trong Minh thực lục (*)] - Kỳ 1: Quạt.
Thời kỳ thuộc Minh kéo dài tròn 20 năm, bắt đầu từ năm 1407 - khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ và chấm dứt vào năm 1427 - khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi.
Đây được coi là một giai đoạn đen tối trong quốc sử, cùng với việc mất đi nền độc lập thì nước ta còn phải gánh chịu ách áp bức bóc lột nặng nề của nhà Minh, với những thảm cảnh “đánh thuế nặng, bóc lột nhiều, dân không lấy gì mà sống được” như trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, việc khai thác sử liệu nhà Minh ghi chép về nước ta vào giai đoạn này, mà đối tượng chúng tôi khai thác ở đây là bộ “Minh thực lục” lại đem đến nhiều thông tin hữu ích, góp phần bổ khuyết cho sử liệu của Việt Nam.
Việc dâng cống phẩm, vốn là một thông lệ của các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với các triều đại Trung Quốc nói chung và của nước ta nói riêng. Trong giai đoạn độc lập, các cống phẩm ngoại giao của nước ta tặng cho phương Bắc thường chỉ mang tính hình thức, có số lượng không lớn (so với quy mô một quốc gia) và không thường xuyên phải tiến cống. Ngoài ra, theo nghi thức ngoại giao, sau khi nhận được cống phẩm, thì “Thiên Triều” cũng phải đáp lễ lại bằng các tặng phẩm ngoại giao.
Nhưng từ năm 1407, nước ta bị sáp nhập vào lãnh thổ nhà Minh, đổi tên thành quận Giao Chỉ, lúc này viếc cống sản vật từ nghi lễ ngoại giao đổi thành nghĩa vụ bắt buộc của quận huyện địa phương với trung ương, các sản vật quý nhất đều được khai thác với số lượng lớn đem tiến cống.
“Minh thực lục” ghi chép tổng cộng 17 lần cống tiến sản vật của quận Giao Chỉ dưới thời Minh thuộc, kéo dài 8 năm, bắt đầu từ niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 14 (1417) tới niên hiệu Hồng Hi nguyên niên (1425).
Từ năm 1426, khởi nghĩa Lam Sơn trên đà thắng lợi, hệ thống cai trị của nhà Minh tê liệt, việc tiến cống bị hoãn lại. Năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, quân Minh phải rút về nước. Năm 1431, niên hiệu Tuyên Đức thứ 6, triều đình Minh Tuyên Tông phong vương cho Lê Lợi, giao “quyền trông coi công việc nước An Nam”, thừa nhận chính thức nền độc lập của nước ta. Từ đây cống phẩm của Đại Việt đưa sang nhà Minh quay lại là cống phẩm ngoại giao, mang tính chất hình thức. Vì thế, Minh thực lục khi nhắc đến số cống phẩm này, thường chỉ ghi chép chung chung đại để như “cống trầm hương, ngà voi, đồ dùng vàng, bạc, sản vật địa phương”.
Loạt bài này sẽ chỉ đề cập tới những loại cống vật có số lượng nhiểu nhất và được Minh thực lục thống kê chính xác trong số 17 lần cống tiến của Giao Chỉ bao gồm lụa sống, sơn, tô mộc, thúy vũ và quạt. Kỳ đầu tiên chúng tôi sẽ nói tới sản vật có số lượng cống tiến nhiều nhất đó là quạt.
Thống kê cụ thể về số lượng quạt được cống phẩm như sau:
1)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 14 (12/1/1417): Giao Chỉ tiến một vạn quạt giấy. ([1]tr 1975)
2)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 15 (1/2/1418): Giao Chỉ cống một vạn quạt. ([1]tr 2052)
3)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 16 (12/1/1419): Giao Chỉ cống 1 vạn quạt giấy. ([1]tr 2117)
4)Ngày 29 tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 17 (14/1/1420): Cống 1 vạn quạt. ([1]tr 2182 – 2183)
5)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18 (1/2/1421): 1 vạn quạt. ([1]tr 2245)
6)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 19 (1/2/1422): Giao Chỉ cống lên 7535 quạt giấy. ([1]tr 2301)
7)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 20 (12/1422 – 1/1423): Giao Chỉ cống 8430 quạt. ([1]tr 2364)
8)Tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 21 (1/1424): Giao Chỉ cống lên một vạn chiếc quạt. ([1]tr 2421 – 2422)
- Quạt (Nguyên văn “phiến” 扇 hoặc “chỉ phiến” 紙扇, cá phiến個扇). Tổng cộng 75.962 chiếc, như đã nói ở trên: quạt là cống phẩm có số lượng nhiều nhất trong số các cống phẩm của quận Giao Chỉ.
Phương Nam vốn nằm trong vùng nhiệt đới với số ngày nắng trong năm rất dài, nên người Việt đã có tập tục dùng quạt lâu đời, theo đó trình độ chế tác các loại quạt của người việt cũng rất cao.
Thời Lý, Chu Khứ Phi trong “Lĩnh ngoại đại đáp” từng viết “có kẻ cài trầm sắt,có kẻ đi dép da, tay cầm quạt lông hạc, đầu đội nón hình ốc…” ([2]tr 59 – 60)
Năm 1621 Cristophoro Borri cũng miêu tả người Việt ở Đàng Trong “Cả đàn ông đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như ở châu Âu. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi”. ([3]tr 56)
Vì vậy không khó lí giải về số lượng lớn quạt mà quận Giao Chỉ phải cống. Điều này, ở góc độ nào đó cho thấy quạt giấy của nước ta là sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng và nổi tiếng đương thời, cũng như có một lượng lớn nhu cầu về loại mặt hàng này ở phương Bắc.
Chú thích:
[1] Các sử quan nhà Minh (明朝史官), Minh thực lục (明實錄) (1961) , Trung ương nghiên cứu viện - Lịch sử ngữ ngôn nghiên cứu sở (中央研究院 - 历史语言研究所), Bắc Kinh ( 北京 ) Quốc lập Bắc Bình đồ thư quán (国立北平图书馆), tập 2, Thái Tông Văn Hoàng đế thực lục.
[2] Chu Khứ Phi (周去非) , Lĩnh ngoại đại đáp (嶺外代答), (1999), Trung Hoa thư cục (中华书局)
[3] Cristophoro Borri , Xứ Đàng Trong năm 1621 (1998), NXB TP HCM.
(Ảnh sản phẩm quạt sừng giấy dó châm kim)
BẢN QUYỀN NGHIÊN CỨU THUỘC VỀ:
Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên