XEM LÊN ĐỒNG TẠI L’ESPACE 24 TRÀNG TIỀN QUÁ ĐÔNG
doanducthanh-KIẾN TRÚC VIỆT: Chiều nay (23-2-2011), mình đã có mặt tại L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội trước 10 phút so với giờ khai mạc ghi trong giấy mời (17h). Đề phòng bất trắc, mình mang theo cả thẻ Nhà báo, đến nơi thấy ở dưới nhà đông quá, người đứng người đi, người ngồi uống cà phê, số đông ngồi bệt dưới đất, số thì đứng kín cầu thang lên tầng 2. Mình leo lên cầu thang tầng 2, ngỡ ngàng nhìn tấm biển ghi ở dưới chân cầu thang "hội trường đã kín". Hỏi ra mới biết mọi người đến đây để xem lên đồng. Mình cố lên đến cửa hội trường thì bắt gặp rất nhiều báo hình báo viết và rất đông người cầm giấy mời trên tay. Nói thế nào thì nói, anh chàng bảo vệ kiên quyết không cho ai ra và không cho ai vào: "nội bất xuất ngoại bất nhập". Đứng cầu cạnh mãi mỏi chân rồi cũng tự rút lui. Tất cả đều quay xuống xem trên màn hình, mà đông quá muốn nghe hay xem được cũng khó.
* Chàng bảo vệ mặt lạnh như tiền (bìa bên phải).
* Ngồi chờ xem qua màn hình.
* Xem qua màn hình cũng không dễ.
* Nhiều người đi đứng lang thang một lúc rồi về.
* Giấy mời có cũng như không.
Như vậy là người Hà Nội cũng rất quan tâm đến đạo Mẫu và lên đồng, chứ đâu phải thờ ơ?
Tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu về đạo Mẫu và cũng xem lên đồng nhiều lần, chủ yếu là dân gian ở các đền chùa, hôm nay muốn xem một cách "chính thống" các giá hầu đồng do các nhà nghiên cứu tổ chức xem ra sao, có gì khác không để so sánh đánh giá, mê tín hay không mê tín, nên cấm hay không cấm, dư luận đang trái chiều hiện nay, nhưng không vào xem được, ý tưởng của mình không thành. Mình cũng không hiểu sao lại tổ chức một chương trình nhiều người quan tâm đến thế vào một nơi chật như thế ?
Hồi mình 5-6 tuổi đã mê xem bố lên đồng rồi, ngày ấy lên đồng chỉ là một sinh hoạt văn hóa truyền thống, lộc thánh chỉ là quả táo quả ổi, cái kẹo, nhiều lắm là phong oản bột, chẳng thấy tung tiền. Bây giờ mình theo dõi thấy khác xưa nhiều lắm, mỗi giá đồng hàng chục triệu, họ quan niệm càng bỏ ra nhiều tiền càng nhiều lộc nên nhiều người đầu tư vào lên đồng quá lớn, đến khuynh gia bại sản. Cũng vì thế nên những thanh đồng đã để lại nhiều điều tiếng chê bai của người đời.
Hôm nay mình cũng gặp vợ chồng Nguyễn Huy Thắng, cháu Nhất chủ blog Matico, gặp các cháu phóng viên ở mấy báo, toàn những người không được vào hội trường.
Đành chụp một số hình ảnh không khí bên ngoài. Đồng thời cũng ghi lại chương trình hoạt động tối nay:
“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”.(TS. Frank Proschan).
Nội dung chương trình:
Người thuyết trình: GS. TS Ngô Đức Thịnh - Dẫn chương trình: TS. Nguyễn Xuân Diện
Sau hội thảo có minh họa diễn xướng hầu đồng.
Phần 1:Thuyết trình
GS. Ngô Đức Thịnh (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) sẽ nói về nguồn gốc, lịch sử và nền tảng văn hóa của Đạo Mẫu. Những đặc sắc và giá trị đặc biệt của Đạo Mẫu, cũng như những giá trị văn hóa đã lắng đọng và ngưng kết trong diễn xướng hầu đồng của Đạo Mẫu Việt Nam. Phần này, do Nguyễn Xuân Diện làm MC.
Phần 2: Minh họa diễn xướng hầu đồng
Hầu đồng. Gồm các giá đồng: 1- Ba giá Mẫu, 2- Trần Triều, 3- Quan Đệ Tam, 4- Quan lớn Tuần Tranh, 5- Chầu Đệ Nhị, 6- Chầu Bát, 7- Chầu Bé, 8- Chầu Thác Bờ, 9- Ông Hoàng Bảy, 10- Ông Hoàng Mười, 11- Cô Cam Đường, 12- Cô Bơ Thoải, 13- Cô Bé.
------------------------------------------------------------------------------
Bài viết : Nguồn từ BLOG thành viên Đoàn Đức Thành
Đúng là những vụ này phải thế giới mới đánh giá khách quan được, cứ mang tiếng là văn hóa Việt Nam đấy mà ở Việt Nam ở trên thì cứ chê bai cấm đoán kêu này nọ, trong khi xã hội vẫn phổ biến bình thường, tết nhất ngày lễ người đến đền chùa vẫn chen nhau gần chết. Các ông to càng lễ nhiều, trong khi cứ kêu bài trừ mê tín. Nhiều lúc ngĩ cũng buồn cười, VN mình đúng là khó hiểu :)
ReplyDelete