Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng qui mô hơn. Tiếp đến, ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân lại xây thêm một ngôi đền nữa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn, thuộc chân núi Dùm đặt tên là Đền Thượng. Đền Hiệp Thuận ở hạ lưu được gọi là Đền Hạ, thờ công chúa Phương Dung (người chị), Đền Thượng thờ công chúa Ngọc Lân (người em). Truyền thuyết cho hay, hai ngôi đền có nhiều linh ứng, nên từ xa xưa hai nàng được tôn làm Thánh Mẫu.
Triều vua nhà Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng đã vác tượng Mẫu chạy vào thôn Gốc Đa xã Ỷ La. Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới, nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó. Trong văn bia trùng tu Đền Hiệp Thuận năm Khải Định thứ năm (1920) cũng ghi lại nguồn gốc sự kiện này, ngoài ra cũng có đoạn viết: “Than ôi! Thần Mẫu linh thiêng cùng với tạo hóa, non sông nơi đây... Duy Thần Mẫu có công to với quốc dân xã tắc, linh thiêng chở che trăm họ, khiến dân được thuần phác, khiến ai ai khi đến đứng trước đền thờ phải cung kính, sợ sệt, khuyến khích người thiện, trừng phạt kẻ ác, chính là nhờ Thần ban cho vậy…”.
Sự hình thành Đền Mẫu Ỷ La và Đền Thượng đều bắt nguồn từ Đền Hiệp Thuận, cùng thờ Thánh Mẫu. Trong quan niệm dân gian, Đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), là nơi có địa thế linh thiêng chở che Thánh Mẫu, là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên lễ hội Đền Thượng và Đền Hạ không tách rời Đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Nhưng Đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, Đền Hạ là nơi hợp tế đều có những nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch), lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự. Người rước Kiệu Mẫu phải là những nam thanh, nữ tú xứ Tuyên. Kèm theo lễ rước là múa lân, kết hợp dàn nhạc với lời ca. Những năm Đền được vua ban cấp sắc phong, nhân dân tổ chức lễ đón nhận long trọng, đông vui. Rước Mẫu là một sinh hoạt lễ hội lớn nhất từ xa xưa kéo dài đến thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mới chấm dứt.
60 năm sau, năm 2006 lễ rước Mẫu lại trở về với xứ Tuyên trong niềm hân hoan của nhân dân. Đền Mẫu Ỷ La, Đền Hạ, Đền Thượng vừa là nơi bái vọng, vừa là nơi nhân dân góp sức làm từ thiện. Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La tạo nên một không gian văn hóa độc đáo của xứ sở lâm tuyền. Song nghi thức lễ hội Đền Mẫu Ỷ La cũng có những nét riêng, ngoài việc thờ cúng Thánh Mẫu còn thờ cúng Thổ công, thờ Thành Hoàng Làng, tế các danh nhân và nạn nhân lịch sử ở địa phương, lễ cầu tự, cầu mưa... Chẳng hạn như lễ Giỗ Trận vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm của nhân dân xã Ỷ La tưởng nhớ 86 người thiệt mạng trong một vụ thảm sát của giặc Cờ Đen ở thôn Đồng Khán cuối thế kỷ XIX. Ngoài lễ thờ Thánh Mẫu, người xưa cũng dành phần hương hoả cho hai ông họ Nguyễn có công sáng lập đền, đó là Nguyễn Thứ và Nguyễn Huy Côn.
Đền Mẫu Ỷ La còn để lại nhiều di sản vô giá. Trong đền hiện còn giữ được 2 quả chuông cổ và 16 tượng cũ, các đồ tế khí bằng đồng, sành sứ, các hoành phi câu đối, đề từ, sắc phong và thần phả. Nhưng đáng chú ý nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. Đền còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 ông vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Đền Mẫu Ỷ La. Nội dung các sắc phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân sống an lành hạnh phúc và ban tặng cho các Thần những Mỹ tự cao quí. Chẳng hạnsắcphong của vua Đồng Khánh năm 1887 là “Dực Bảo Trung Hưng”; sắc phong của vua Thành Thái năm 1890 là “Tề Thục Trung Đẳng Thần”; sắc phong vua Duy Tân năm 1909 là Hiệp Thuận Trinh Ý Minh Khiết Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Phương Anh Phu nhân trung đẳng Thần; sắc phong của vua Khải Định năm 1923 là: “Linh Thuý Trung Đẳng Thần”. Các ông vua đều đồng lòng với dân, thờ phụng các Thần và mong các Thần phù trợ cho nước thái, dân an.
Bài viết PGS.TS. Trần Mạnh Tiến
Nguồn ảnh : mantico 's BLOG
---------------------------------------------------------------------------
Một số hình ảnh đền Mẫu Ỷ La
No comments:
Post a Comment