“KHÔNG THỂ CẤM NGAY BẰNG MỘT SẮC LỆNH”
Nghị định 75/2010 NĐ-CP “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”
Ngày 1/9/2010, Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa” chính thức có hiệu lực thi hành. Việc người dân đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, và nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền, thậm chí việc rải vàng mã trong đám tang cũng sẽ bị xử phạt được quy định tại nghị định này đang tạo ra những ý kiến trái chiều.
Để rộng đường dư luận, Đời sống Pháp luật đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn,Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam- về vấn đề này.
ĐSPL: Xin GS cho biết tục lệ đốt vàng mã của người Việt có từ bao giờ?
G.S Ngô Đức Thịnh : Cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu nào cho thấy thời điểm xuất hiện việc đốt vàng mã ở nước ta, nhưng chắc chắn điều này đã tồn tại từ hàng trăm năm do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, quan niệm người chết không phải là hết, chia của cho người chết ở ta cũng đã có từ rất lâu đời rồi. Đến nay, người Tây nguyên không chịu một chút nào văn hóa Trung Hoa, nhưng vẫn tiến hành tục chia của cho người chết trong lễ bỏ mả, song họ không có tục làm đồ mã mà dùng chiêng ché, đồ dùng thật hàng ngày chôn theo người chết (tục chôn đồ tùy táng). Nói như thế để thấy, tục đốt đồ vàng mã là một hành động mang tính nghi lễ, nó có cơ sở nhận thức chứ không phải một hành động vu vơ
Tuy nhiên, xã hội hiện nay đang tồn tại 2 quan niệm, đồ mã và đồ vàng mã. Đồ mã có bao gồm vàng mã hay không và vàng mã có bị cấm không?.Để tránh gây tranh cãi và thuận cho việc thực thi luật pháp, trước tiên chúng ta cần phân định rõ khái niệm về đồ mã vì theo như tôi biết thì có nhiều người đang hiểu là cấm đốt đồ mã chứ không cấm đốt vàng mã. Trên thực tế, đồ mã là khái niệm chỉ chung những đồ làm bằng giấy và có thể đốt đi được. Nó liên quan đến một quan niệm, muốn người âm nhận được thì đồ lễ phải được đốt (hóa) sau khi dâng cúng. Vì thế đồ mã không thể làm bằng gỗ hay vật liệu khác. Đồ mã chính là những thứ vật dụng như nhà, xe, voi ngựa, đồ đạc, hình nhân…bằng giấy, còn vàng mã là những thỏi vàng, bạc hay tiền địa phủ (sau này người ta in giống như tiền thật)
Ở đây còn một vấn đề khác cần phải xác định rõ là quan niệm về lễ hội? Một nhóm người tập trung lại và cùng nhau thực hiện một nghi lễ nào đó thì có được coi là lễ hội không? Tôi cho rằng, ngay một gia đình, một dòng tộc tập họp nhau lại để tiến hành một nghi lễ nào đó với tổ tiên cũng đã là lễ hội rồi, vậy thì cấm đốt vàng mã, đồ mã ở lễ hội làng, vùng, cả nước, còn loại thờ cúng mang tính gia đình thì sao ?
ĐS&PL: Được biết trong giáo lý đạo Phật không chủ trương đốt vàng mã, song việc đốt vàng mã đang tồn tại như một “nghi thức” không thể thiếu của người dân trong mỗi dịp lễ trọng. Vậy vàng mã có được coi là một sản phẩm của văn hóa tín ngưỡng không, thưa GS?
GS Ngô Đức Thịnh: Trước nhất cần nói rõ, không thể đồng nhất Phật giáo với dân tộc, đồng nhất nghi lễ Phật giáo với nghi lễ toàn dân tộc, mà Phật giáo chỉ là một bộ phận, một sắc thái văn hóa trong dân tộc mà thôi. Do vậy không thể áp đặt nghi lễ của Phật giáo cho toàn dân tộc !
Như tôi đã nói, hành động đốt vàng mã là một trong các nghi lễ, mà nghi lễ nào cũng có cơ sở nhận thức và được thực hiện trên một nền tảng quan niệm vững chắc, trở thành một tập quán.xã hội. Tín ngưỡng chính là việc người ta tin vào một lực lượng siêu nhiên, như hiện tượng linh hồn chẳng hạn. Người ta tìm mọi cách để liên hệ với cái siêu nhiên đó. Vì thế con người đốt hương và tin rằng, những lời cầu khấn sẽ theo khói hương bay lên tới linh hồn tổ tiên, thần, Phật. Đồ vàng mã cũng vậy, dân gian quan niệm, chết không phải đã hết mà linh hồn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên nào đó nên họ tư duy “trần sao âm vậy”, có nghĩa là người sống cần có gì, người âm cũng cần có cái đó. Bằng rất nhiều cách người sống cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn. Họ đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã khó có thể tách rời khỏi văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Tuy nhiên, việc đốt vàng mã cũng nên quy định theo mức độ, đúng với bản chất của nó. Ở nhiều nơi, việc đốt vàng mã đang bị người ta thực hiện một cách thái quá vì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ. Thực chất, đây chỉ là sự “phô trương” với người trần, hơn thế nữa là để thỏa mãn thói thường “con gà tức nhau tiếng gáy”, dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, điều này đáng phạt.
ĐS&PL: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, theo GS việc xử phạt hành vi đốt vàng mã sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng?
GS Ngô Đức Thịnh: Bạn nghĩ thế nào nếu cấm người dân đi bán buôn trong nền kinh tế thị trường? cấm người theo đạo kito ăn bánh thánh và giáo dân thiên chúa đi lễ nhà thờ, cấm lễ cầu siêu trong Phật giáo? Nói như vậy để thấy, trong tín ngưỡng có một số nghi lễ cần thiết và việc ngăn cấm thực hiện là một vấn đề khá nhạy cảm. Chẳng hạn, cho thờ cúng tổ tiên nhưng lại không cho thực hiện việc dâng cúng quần áo, tiền vàng vì là đồ vàng mã? Đạo mẫu được coi là một tín ngưỡng và được luật pháp bảo vệ nhưng lại bị cấm lên đồng trong khi lên đồng là một nghi lễ quan trọng nhất của Đạo Mẫu?
Mâu thuẫn là ở chỗ, quy định cấm hoạt động lên đồng nhưng vẫn cho thực hiện nghi lễ cầu siêu, trong khi cầu siêu chính là một nghi thức theo quan niệm có tồn tại linh hồn. Việc thực hiện nghi lễ cầu siêu là để cầu cho các linh hồn đó được siêu thoát, một hành vi mang tính nhân văn, và lên đồng cũng vậy, người ta quan niệm các vị thần như Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh… cũng có linh hồn và các Ngài nhập vào các thân xác ông đồng, bà đồng thì lại bị cấm?!
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện bằng nhiều nghi lễ và tự do tín ngưỡng là một trong những quyền cơ bản của con người, hơn nữa nghi lễ có nguồn gốc từ nhận thức nên theo tôi, muốn thay đổi hành động đó thì phải thay đổi từ chính nhận thức của người hành lễ.
ĐS&PL: Dường như quy định và tính khả thi không có dấu hiệu tỷ lệ thuận, thưa GS?
GS Ngô Đức Thịnh: Không thể bằng một sắc lệnh mà có thể cấm ngay được những nghi lễ tín ngưỡng, vấn đề là nhận thức của con người. Theo truyền thống việc rải vàng mã trong đám tang người chết có ý nghĩa đánh dấu đường cho linh hồn người chết trở về. Nếu đốt vàng mã trong lễ hội, chính quyền tiến hành xử phạt đã khó thì việc xử phạt hành vi rải vàng mã trong đám tang lại hết sức nhạy cảm. Dùng vàng và đồ mã khối lượng nhiều, rải vô tội vạ là hành vi đáng lên án, nhưng nếu lấy lí do làm bẩn môi trường thì không thuyết phục cho lắm. Thành phố đang ngập ngụa rác thải từ nhiều nguyên nhân khác chứ không phải là từ việc rải vàng trong các đám ma.
Để luật pháp đi vào cuộc sống là việc làm cần thiết nhưng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nhận thức được vấn đề và có hành vi phù hợp truyền thống chứ không thể tiến hành ngay từ ngày mai được. Chúng ta nên giao trách nhiệm này cho chính những địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý di tích, văn hóa và cơ quan tổ chức lễ hội để định hướng, tuyên truyền cho người dân về các nghi thức hành lễ phù hợp với dân gian. Nếu cứ nhất nhất “ép” ngay vào lề lối, rất có thể sẽ lại nảy sinh tiêu cực, thậm chí người dân sẽ “nhờn” luật pháp.
ĐS&PL: Xin cảm ơn GS!
Hải Lý -thực hiện
*Xin cảm ơn GS Ngô Đức Thịnh đã gửi cho Ng. Xuân Diện-Blog bài PV này và cho phép công bố tại đây
Nguồn bài viết : BLOG Nguyễn Xuân Diện
Nguồn bài viết : BLOG Nguyễn Xuân Diện
Việc tuyên chiến với Tôn giáo bằng hình thức nào của nhà cầm quyền đều phản ánh sự yếu kém. Việc này người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản- Lê nin đã nhắc nhở chúng ta. Ở ta có một sự lạ đời, cứ việc gì không quản lý được: Cấm. Ấy thế với cái sự đời ấy nhiều lúc luật pháp thành trò hề.
ReplyDeletenói không sai không làm được lại cấm đến là chán
ReplyDelete