Người Nùng ở Thống Nhất - Đồng Nai có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng liên quan đến Then, hình ảnh Bà Then có vai trò rất lớn trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng nơi đây.
Then là một hoạt động văn hóa tinh thần có ý nghĩa và rất gần gũi với những người Nùng trong cộng đồng. Không chỉ gắn kết giữa nội bộ tộc người của mình mà còn gắn kết với cả người Tày cùng sinh sống. Người Tày, Nùng mê Then vì nhiều lẽ, nhưng trước hết vì “chất thiêng” của Then, hơn nữa Then còn phù hợp với phong tục tập quán và cuộc sống bình dị, tĩnh lặng của núi rừng vùng sơn cước. Hiện nay, Then không chỉ có ở nông thôn mà còn tồn tại cả ở cả vùng đô thị có người Tày cư trú; thậm chí còn theo chân những người Tày, Nùng di cư tự do vào tận Tây Nguyên xa xôi. Bởi thế, có thể nói, ở đâu có người Tày, Nùng là ở đó có Then.
Then diễn xướng nghi lễ mang tính tổng hợp của dân tộc Tày – Nùng. Trong quan niệm của nhiều người, Then là tiên (Slien) của trời xuống giúp dân. Then thay con người đề đạt lời cầu xin lên trời và dại diện của trời phán bảo, đem những phép màu phù hộ con người.
Truyền thuyết cho Then ra đời vào thế kỷ XVI, ở Cao Bằng do các ông Bế Văn Phùng và Nông Quỳnh Văn sáng tác, đặc biệt để chữa bệnh, và đã chữa được bệnh cho vua nhà Mạc nên được vua cho phổ biến rộng rãi.
Về đại thể, có thể phân loại các hình thức cúng bái của người Tày, Nùng thành 2 nhóm chính: nhóm Then, Pụt và nhóm Tào, Phù Thủy. Các dân tộc Tày, Nùng vùng Đông Bắc nước ta gọi tất cả những người có khả năng xuất nhập hồn để giao tiếp với thần linh là Pụt; Còn những người là nữ có khả năng sử dụng cây đàn tính làm nhạc cụ chủ yếu để đệm lời ca, khi hành nghề Pụt là Bà Then. Chữ Pụt thực chất là từ đọc trại từ chữ Phật mà ra, mang tinh thần cứu nhân độ thế của đạo phật.
Đặc điểm của những người làm Then
Có nhiều hình thầy (bà) Then là một vị quan chức của triều đình nhà trời được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian làm nhiệm vụ giao tiếp giữa trần gian và nhà trời, theo niên hạn và tuỳ theo năng lực điều binh khiển tướng của mình mà vị quan này sẽ được thăng quan tiến chức. Về lý thuyết là thế nhưng tuỳ theo môn phái và tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể mà việc học nghề cũng như tiêu chuẩn và thời hạn nâng cấp cho Then không giống nhau. Người là Then bao gồm cả nữ giới và nam giới, điểm chung nhất giữa họ là khả năng đàn hát, trong đó khả năng đánh đàn tính là đặc điểm cơ bản để phân biệt cách thức hành nghề của họ với các loại thầy cúng khác. Nghề làm Then của người Nùng khi vào đến vùng đất Đồng Nai chỉ còn lại những phụ nữ hành nghề mà thôi và cư dân trong cộng đồng gọi họ với cái tên của họ. Những người làm Then thường có đặc điểm xuất thân như: từ gia đình có truyền thống làm nghề Then hoặc nghề thầy cúng nhiều đời, nếu là phụ nữ có thể phải nối nghiệp làm Then cho nhà chồng và những người có căn số phải làm Then (số này ít hơn).
Về tiêu chuẩn phải là người nhẹ vía (mỉnh nẩu), có căn số làm thầy cúng. Người có căn số thường mê Then, nhạy cảm với Then. Có thể nhảy múa một cách bản năng theo các trường đoạn Then. Vì vậy không hẳn trong dòng họ có người làm Then là con cháu có thể nối nghiệp được mà đôi khi lại phải chuyển sang người khác họ (trường hợp con dâu nối nghiệp bố mẹ chồng). Cũng có trường hợp trong dòng họ có làm nghề thầy cúng như làm Tào thì con cháu có thể bị ốp (được các Thầy cõi trên chọn làm Then) làm Then. Trong trường hợp này họ được coi là người nối nghiệp cúng bái của gia đình. Những người bị ốp làm Then đều có cùng đặc điểm vào nghề tương tự như có biểu hiện về tình trạng sức khoẻ và thần kinh không bình thường. Nếu là đàn ông thì thườngđiên khùng hoặc bệnh tật như lở loét chân tay chữa mãi không khỏi, thậm chí không tìm ra căn nguyên của bệnh, nếu là phụ nữ thì lẩn thẩn bỏ nhà đi lang thang, trong gia đình thường có nhiều chuyện xui xẻo xảy ra như gia súc chết, con cái ốm đau bệnh tật.
Làm nghề cúng bái liên quan đến thần linh nên trong cuộc sống vào lúc hành nghề Then có những kiêng kỵ khác với người bình thường với các nội dung phổ biến như:
- Tu thân làm điều thiện, không được làm điều ác.
- Vui vẻ, không cuồng dâm ô.
- Thanh tịnh
- Không được lừa đảo dối trá
- Không sát sinh
- Suy nghĩ chín chắn
- Khoan dung độ lượng không yêu ghét thái quá
- Không tham lam
- Tôn thuận đạo, trung thành theo đạo.
Trong cuộc sống hằng ngày, Then phải tuân thủ những quy định của nghề nghiệp như kiêng sát sinh, kieng đập trứng sống, kiêng ăn các loại thịt, trâu, bò, chó. Đối với những người giúp việc cũng có những kiêng kỵ riêng như kiêng không cho những người có bầu hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt ngồi vào chiếu của các Then đang hành lễ, những người phục vụ phải châm hương từ bếp chứ không được châm hương từ đèn ở bàn lễ…
Sau khi học nghề, chỉ khi nào làm lễ cấp sắc (tức thụ giới) thì thầy (bà) Then mới chính thức được công nhận vào nghề. Đây còn gọi là lễ khai Quang, tiếng Tày, Nùng gọi là tha sủng (mắt sáng), ý nói thầy cũng sẽ có con mắt sáng hơn người thường, có thể nhìn thấu quỷ thần. Từ đây sau khi đã có “chứng chỉ hành nghề”, họ sẽ làm các lễ Then theo khả năng và trình độ của mình và phụ thuộc ở mức độ tín nhiệm của các gia chủ.
Tuỳ từng nơi mà các quy định trong việc nâng cấp Then khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung là việc nâng cấp Then chủ yếu là căn cứ vào việc tăng số dây ở mũ của người làm Then.
Trang phục của Then có hai bộ phận là áo và mũ, áo Then được cắt may đơn giản theo kiểu áo dài phụ nữ cổ tròn, cúc cài ở nách thường có màu xanh, đỏ, vàng. Cả nam giới và nữa giới làm Then đều mặc áo kiểu này. Theo giải thích của Then ban đầu là của phụ nữ nên đàn ông có làm Then thì vẫn phải mặc áo của phụ nữ.
Mũ Then gồm có hai bộ phận là phần đầu mũ (trên) phần đuôi mũ (dưới). Phần đầu mũ chụp lên đầu là phần cố định được làm bằng hai mảnh bìa cứng bọc vải màu vàng hoặc màu đen, phía trên đỉnh là mũ gồm 3 đầu nhọn tượng trưng cho 3 đỉnh núi (tam nhạc). Trên phần đỉnh mũ có thêu hoa văn trang trí với gam màu chính là đỏ vàng đen, theo mô tích đối xứng đằng trước mũ dính hai sợi tua bằng vải màu hình lệnh bài rũ xuống hai bên má người đội. Phần sau mũ có gắn những sợi dây dài buông xuống lưng, trên đây có thêu hoa văn chim phượng hoặc ghép các mảnh vải màu. Mũ và áo được dùng chủ yếu trong đại lễ của nhà Then chứ bình thường không mặc áo và đội mũ lễ.
Những gia đình người Tày - Nùng thường tổ chúc các đám Then (xin giải hạn, cầu may hay chữa bệnh), đến mấy ngày liền. Số lượng các bài hát, điệu múa phụ thuộc vào đám then rất phong phú. Căn cứ vào nội dung và hình thức diễn xướng của các nghi lễ thì có thể phân loại công việc Then thành bốn nội dung sau:
- Then chúc tụng: Khi gia đình có việc vui mừng mà kinh tế khá giả thì họ sẽ mời Then đến hát vui văn nghệ, tuy nhiên người diễn xướng không nhất thiết phải là thầy Then.
- Then bói: Gồm hai loại bói là bói chữa bệnh và Then chơi én, có xuất hồn khi làm lễ.
- Then cầu yên, giải hạn: Là loại Then tiểu lễ do cá nhân thầy Then thực hiện theo yêu cầu của các gia chủ, gồm các loại lễ như: cầu yên, chúc phúc, thượng thọ, nối số bắc cầu, gọi vía trẻ đi lạc, đi sứ đi thuyền, bắc cầu, cầu tự, giải phiền muộn… Then cầu yên thường diễn ra vào đầu năm với mục đích cầu yên giải hạn cho gia đình trong năm. Then giải hạn liên quan đến sự ốm đau, bệnh tật bất thường nên được làm bất kỳ thời gian nào trong năm.
- Hội Then (lẩu Then): là loại Then đại lễ do nhiều thầy Then tham gia, tổ chức tại nhà Then để dâng cúng lễ vật cho tổ nghề theo yêu cầu mục đích của Then chủ nhà.
- Loại Then “hết lệ” (làm lễ) là Then cúng tổ nghề mang tính chất thường kỳ hàng năm. Có nơi như ở Lạng Sơn, Hà Giang làm to tới hai ba ngày, ở Na Rì, Bắc Cạn chỉ làm trong một ngày.
- Lễ cấp sắc hoặc lễ nâng cấp bậc hành nghề cho Then.
Ngoài ra, thuộc Then đại lễ còn có loại Then tham gia các đám cấp sắc của Tào hoặc các đám tang của những người làm nghề thầy cúng.
Trong dòng chảy giao lưu văn hoá sôi động thời mở cửa hiện nay, cũng giống như một số loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống của các dân tộc khác, Then đang đứng trước sức ép bị mai một không nhỏ. Một mặt khác, các nghệ nhân Then cao tuổi lần lượt ra đi theo quy luật của tạo hoá; mặt khác, thế hệ trẻ lại chịu chi phối của kinh tế thị trường, của lối sông công nghiệp nên phần nào thiếu mặn mà với Then. Để phần nào góp sức cho Then có thêm sức sống trong cộng đồng, cần phải nhìn nhận Then như một loại hình văn hoá tín ngưỡng tiêu biểu của dân tộc Tày. Từ đó, cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nghệ nhân Then. Đồng thời, cần hoạch định 1 chương trình sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá, phục hồi Then.
No comments:
Post a Comment